Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Sâu bệnh hại cây rau và biện pháp phòng trừ

Sâu hại Cây rau và biện pháp phòng trừ
I. Sâu tơ
Tên khoa học: Plutella xylostella
Họ: Yponomeutidae
Bộ: Thysanoptera
1.1. Triệu chứng
Sâu tơ chỉ gây hại các cây thuộc họ cải. Sâu non ăn lá, khi mật số sâu tơ cao ăn tạo các lỗ thủng lá, làm lá cải xơ xác.
1.2. Đặc điểm hình thái
Bướm thân dài 6mm, sải cánh trung bình là 15 mm màu nâu xám, mép cánh trước có ba dấu hình tam giác màu nâu nhạt ngả trắng, cánh sau có màu xám và có lông nhỏ dài mịn, khi đậu cánh sát thân.
Trứng hình bầu dục màu vàng nhạt.
Sâu non màu xanh nhạt, hai đầu nhọn phân đốt rất rõ, dài 10mm - 13mm.
Nhộng màu nâu được bọc trong kén mỏng màu trắng xốp nằm dưới mặt lá.
1.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 15-50 ngày
- Trứng: 2-7 ngày
- Sâu non: 8-25 ngày
- Nhộng: 3-13 ngày
- Trưởng thành: 2-5 ngày
Bướm ít bay thường di chuyển theo gió, hoạt động nhiều từ chập tối đến nửa đêm, mỗi con cái đẻ từ 50 - 400 trứng. Trứng được đẻ riêng lẻ trên bề mặt của lá. Sâu non có 4 tuổi, sâu mới nở đục lá tạo thành rãnh, tuổi lớn ở mặt dưới của lá. Khi bị đánh động chúng nhả tơ đưa mình rơi xuống khỏi bề mặt lá lẫn trốn.
Vòng đời sâu tơ thay đổi theo nhiệt độ, nhiệt độ thấp có thể kéo dài 50 ngày và khoảng 15 ngày ở nhiệt độ cao, nhiệt độ thích hợp từ 20 – 300C ở Thành Phố Hồ Chí Minh vòng đời trong khoảng 15 - 17 ngày, mùa mưa mật độ sâu tơ giảm rất rõ.
Sâu tơ phá hại bộ lá của cây, đặc biệt nghiêm trọng khi sâu tấn công ở giai đoạn mới trồng, sâu non mới nở đục lá tạo thành rãnh, ở tuổi lớn sâu tơ ăn toàn bộ biểu bì khiến lá bị thủng lỗ chỗ. Mật độ cao sâu ăn hết thịt lá chỉ còn trơ lại gân lá làm giảm năng suất rõ rệt. Sâu non cũng ăn các bắp đang phát triển làm bắp biến dạng hoặc không thể cuốn bắp, tạo điều kiện cho bệnh thối nhũn phát triển.
Sâu tơ gây hại quanh năm, tuy nhiên hại nặng trong vụ đông xuân.
1.4. Thiên địch
- Nhóm ăn mồi như: nhện, bọ rùa, chuồn chuồn cỏ.
- Nhóm ong ký sinh: ong cự loài Diadegma sp., ong kén nhỏ loài Cotesia sp.
- Nhóm vi sinh vật gây bệnh: Nấm Entomophthore blunckitr, virus granulosic cũng gây bệnh cho sâu tơ.
1.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp sinh học:
Sử dụng thiên địch của sâu tơ như nhóm ăn mồi, nhóm ong ký sinh, nhóm vi sinh vật gây bệnh khi mật số sâu trên ruộng ít rất có ý nghĩa là thức ăn cho thiên địch.
Dùng bẫy pheromone có hiệu quả diệt trưởng thành sâu tơ.
* Biện pháp canh tác:
- Bố trí thời vụ thích hợp; nếu trồng muộn trong vụ đông xuân, sâu tơ hại nhiều.
- Luân canh với cây trồng không cùng ký chủ như lúa bắp… nên trồng xen với cây họ cà sẽ đuổi được bướm sâu tơ.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng hủy bỏ tàn dư cây trồng.
- Việc tưới phun mưa vào buổi chiều ngăn cản việc giao phối và đẻ trứng của sâu tơ, sâu con có thể bị rửa trôi, tuy nhiên nếu cây bị bệnh, bệnh sẽ dễ lây lan hơn.
* Biện pháp hóa học: Dùng các loại chế phẩm có nguồn gốc BT như Delfil, Dipel, Aztron, Biocin…Dùng các thuốc có gốc Abamectin, gốc Pyrethroid… Lưu ý dùng luân phiên các loại thuốc do sâu tơ là loài có khả năng rất dễ quen hoặc kháng thuốc.

II. Sâu xanh đục quả
Tên khoa học: Heliothis armigera
Họ: Noctuidae
Bộ: Lepidoptera
2.1. Triệu chứng
Sâu xanh đục quả thường gây hại trên cây cà chua, cà tím và nhiều loại rau ăn quả khác Sâu non thường ăn lá, hoa, quả, đặc biệt chúng thường ăn các bộ phận của quả, sâu đục vào quả làm quả bị thủng, thối.

2.2. Đặc điểm hình thái
Bướm trưởng thành màu nâu có sải cánh khoảng 30-40 mm, cánh được điểm bằng các đường màu xám sẫm.Trứng mới đẻ có màu ngả vàng, sau đó chuyển thành màu nâu.
Sâu non có màu xanh nhạt, hồng hoặc nâu sẫm, trên mình sâu có một dãy đen mờ dần.
Sâu non có 5-6 tuổi. Sâu non hóa nhộng trong đất, nhộng có màu nâu sáng.
2.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 28-45 ngày
- Trứng: 2-7 ngày
- Sâu non: 14-20 ngày
- Nhộng: 10-14 ngày
- Trưởng thành: 2-4 ngày
Bướm hoạt động vào ban đêm hoặc chiều tối,bướm có thể đẻ 1.000 quả trứng, trứng đẻ riêng từng quả thường ở mặt trên của lá non và gần quả.
Sâu non mới nở ăn lá non, sau đó cắn chui vào quả từ cuống. Các lá và các chùm hoa bị sâu ăn có thể bị gãy. Thiệt hại nặng nhất là khi sâu non xâm nhập vào quả. Những quả mới hình thành khi sâu tấn công thường bị rụng, những quả lớn hơn có thể bị thủng và thối.
Sâu thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn cây ra hoa rộ và tạo quả
2.4. Thiên địch
- Nhóm ăn mồi: Bọ xít, Bọ rùa, Chuồn chuồn cỏ...
- Nhóm ký sinh: Các loài ong ký sinh Trichograma sp.
- Nhóm vi sinh vật gây bệnh: Nấm Metarhizium, virus NPV.
2.5. Biện pháp phòng trừ
- Thời vụ gieo cấy đồng loạt. Mật độ gieo trồng thích hợp theo từng giống.
- Bón phân cân đối.
- Bắt sâu bằng tay giai đoạn đầu của cây, ngắt và hủy bỏ những chồi và quả bị đục.
- Hạn chế phun thuốc để bảo tồn các loài thiên địch như bọ rùa, nhện, ong ký sinh, chuồn chuồn...
- Khi phát hiện có nhiều sâu xanh mới nở có thể phun thuốc trong nhóm Pyrethroid, thuốc vi sinh có nguồn gốc BT, các loại thuốc gốc Abamectin, thuốc chống lột xác như Atabron. Lưu ý để phòng trị có hiệu quả cần phát hiện sâu non khi chưa đục vào quả và trong thời kỳ thu hoạch trái nên dùng các loại thuốc có thời gian cách ly ngắn.
III. Sâu khoang ( sâu ăn tạp)
Tên khoa học: Spodoptera litura
Họ: Noctuidae
Bộ: Lepidoptera
3.1. Triệu chứng
Sâu khoang còn được gọi là sâu ăn tạp gây hại trên tất cả các loại rau, là đối tượng gây hại nặng trên rau muống. Sâu non tuổi nhỏ thường gây hại nghiêm trọng nhất bởi vì hàng trăm con sâu non tập trung lại ăn lá cây và nhanh chóng làm lá cây xơ xác. Sâu non còn có thể gặm ăn vỏ quả làm giảm phẩm chất.
3.2. Đặc điểm hình thái
Sâu khoang có nhiều loại, bướm trưởng thành thường có màu xám hoặc nâu xám, cánh trước có màu nâu vàng, có các vằn đen trắng, cánh sau màu hơi trắng.
Trứng đẻ thành ổ trên lá, được bao phủ một lớp lông bảo vệ.
Sâu non mới nở màu xanh sáng, sống tập trung và phân tán khi lớn. Sâu tuổi lớn có màu từ xám xanh đến nâu đen với những sọc vàng hoặc trắng. Nhộng màu đỏ sẫm.
3.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 25-48 ngày
- Trứng: 3-7 ngày
- Sâu non: 12-27 ngày
- Nhộng: 8-10 ngày
- Trưởng thành: 2-4 ngày
Trứng được đẻ thành ổ ở mặt dưới lá và phủ một lớp lông. Một ổ có từ 50 - 200 trứng. Một con cái có thể đẻ từ 500 - 2000 trứng.
Sâu non lột xác 5-6 lần, sâu tuổi nhỏ ăn biểu bì của lá, sâu tuổi lớn ăn cả thịt lá chỉ chừa lại gân lá. Khi mật độ sâu cao có thể làm cho lá cà chua rụng nhanh. Tuy nhiên sự gây hại không nghiêm trọng lắm do khả năng tự đền bù của cây. Chúng làm nhộng trong đất.
3.4. Thiên địch
- Các loài ăn mồi: Bọ rùa, kiến, bọ xít ăn thịt, bọ cánh cứng.
- Ong kí sinh: Cotesia prodeniae , Telenomus remus.
- Vi khuẩn BT, virus nhân đa diện.


3.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác:
- Vệ sinh đồng ruộng trước và sau khi trồng, cày ải phơi đất.
- Dẫn nước ngập ruộng trước khi làm đất.
* Biện pháp cơ giới vật lý:
Diệt ổ trứng và sâu non bằng tay.
* Biện pháp sinh học:
- Hạn chế phun thuốc để bảo tồn các loài thiên địch thường xuất hiện trên ruộng như nhện, bọ rùa, ong kí sinh...
- Dùng bẫy bả pheromone hoặc bẫy chua ngọt có hiệu quả.
* Biện pháp hóa học:
Có thể dùng thuốc có gốc Pyrethroid như Sherpa, Polytrin. Dùng các loại chế phẩm vi sinh như NPV, Vi-BT, hoặc thảo mộc như Rotenone hoặc Neem có hiệu quả cao.

IV. Sâu xanh sọc trắng
Tên khoa học: Diaphania sp.
Họ: Pyralidae
Bộ: Lepidoptera
4.1. Triệu chứng
Sâu xanh Diaphania sp. gây hại chủ yếu trên cây thuộc họ dưa, bầu bí. Sâu non thường cuốn hoặc gập một hoặc nhiều lá non lại với nhau. Sâu non ăn lá, mật độ cao chúng có thể cắn trụi lá chỉ chừa lại gân lá, ngoài ra chúng còn gặm ăn vỏ trái non làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
4.2. Đặc điểm hình thái
Trưởng thành: Là loại bướm trắng bạc, với cánh có đường viền nâu xung quanh, đầu và 2 đốt ngực cũng có màu nâu, cuối đốt bụng cũng có màu nâu và chùm lông của cơ quan sinh sản có màu vàng nâu.
Trứng: hình ô van hơi nhọn. Ấu trùng: màu sắc thường thay đổi, nhưng có màu xanh lá cây ở tuổi lớn, có 5 tuổi, dài khoảng 18 -25 mm.
Nhộng: chuyển từ màu xanh sang màu nâu khi phát triển.
4.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 20 -40 ngày
- Trứng: 2 - 3 ngày.
- Sâu non: 20 -28 ngày
- Nhộng: 8 - 12 ngày.
Trưởng thành: 2- 3 ngày
Trưởng thành đẻ trứng từng quả hoặc theo nhóm ở mặt dưới lá, trung bình khoảng 0,2 -4,8 trứng/ lá. Số lượng trứng đẻ tùy thuộc vào điều kiện sinh thái như thời vụ, giai đoạn sinh trưởng của cây, thời tiết... một con trưởng thành có thể đẻ 340 - 510 trứng.
Sâu non tuổi nhỏ gặm nhu mô trừ lại biểu bì, tuổi lớn có thể cắn thủng lá, gặm vỏ quả.
Nhộng thường nằm trong các lá bị cuốn lại. Sâu xanh gây hại trong suốt cả vụ, gây thiệt hại năng suất giai đoạn cây con, hình thành trái.
4.4. Thiên địch
Có nhiều loại thiên địch, theo tài liệu nước ngoài có các loài như:
- Ong ký sinh sâu non: Apanteles machaeralis; Apanteles taragamae; Argyroplylax proclinata.
- Ong ký sinh trứng: Trichogramma chinosis.
- Vi khuẩn gây bệnh cho ấu trùng: Bacillus thuringensis
4.5. Biện pháp phòng trừ
Nhiều loại thuốc hóa học có thể dùng để trừ sâu xanh có hiệu quả cao như Cyperin, Sherzol, Vertimex, Tập kỳ..., lưu ý khi dùng thuốc:
- Dùng thuốc khi sâu còn nhỏ.
- Khi dưa có trái nên dùng thuốc sinh học như nhóm thuốc gốc BT cũng có hiệu quả cao và an toàn cho người sử dụng.

V. Sâu xám
Tên khoa học: Agrotis ipsilon
Họ: Noctuidae
Bộ: Lepidoptera
5.1. Triệu chứng
Sâu xám thường gây hại giai đoạn cây con trên tất cả các loại rau. Loài sâu này thường cắn đứt các thân và cành non kéo xuống đất để ăn.
5.2. Đặc điểm hình thái
Bướm có màu xanh đen, cánh trước màu nâu nhạt hoặc nâu đen, cánh sau trắng có một đường màu đen ở cuối.
Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có một dãy đen mờ. Sâu có 3 đôi chân thật và 5 đôi chân giả.
Nhộng màu xám xanh đến nâu đỏ có 2 gai ở phía sau.
5.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 37-62 ngày
- Trứng: 4-11 ngày
- Sâu non: 22-34 ngày
- Nhộng: 9-13 ngày
- Trưởng thành: 2-4 ngày
Trứng được đẻ thành ổ ở trong đất hoặc dưới lá, trên thân, trên cỏ và trên tàn dư trong ruộng gần gốc cây chủ. Bướm có thể đẻ 1.200 trứng.
Sâu non có 5-6 tuổi, khi bị đụng chúng cuộn lại giả chết. Ban ngày sâu non ẩn núp ở dưới bề mặt của đất, dưới lá. Ban đêm sâu non lên mặt đất và ăn ngang thân cây sát mặt đất, làm thân cây bị khuyết hoặc bị cắn đứt.
Sâu non có thể gây hại nặng cho cây giống và cây con trên ruộng. Sâu thường xuất hiện vào giai đoạn cây con và gây hại trầm trọng nhất ở những vùng đất nhẹ, đất cát nơi sâu non có thể vùi mình dễ dàng.
5.4. Thiên địch
Gồm có tuyến trùng Hexamermis arvalis, Virus GV, và nhiều loài ong ký sinh. Ngoài ra còn có một loài nấm ký sinh trên sâu là Entomophaga sp.
5.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác:
- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, cày ải phơi đất 2 tuần trước khi trồng.
- Dẫn nước ngập ruộng trước khi chuẩn bị đất để trồng.
* Biện pháp cơ giới vật lý:
Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay.
* Biện pháp sinh học:
- Hạn chế phun thuốc để bảo tồn thiên địch thường xuất hiện trên đồng ruộng như nhện , bọ rùa, ong ký sinh...
- Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm (4 phần đường đen + 4 phần dấm +1 phần rượu + 1 phần nước + 1% thuốc).
* Biện pháp hóa học: Có thể dùng các loại thuốc để sử lý đất trước khi gieo trồng như Basudin, Diaphos, Regent…

VI. Sâu xanh da láng
Tên khoa học: Spodoptera exigua
Họ: Noctuidae
Bộ: Lepidoptera
6.1. Triệu chứng
Sâu xanh da láng gây hại trên nhiều loại rau khác như hành, cà chua, đậu phộng, đậu bắp, đậu đỗ…Sâu non ăn lá, lúc nhỏ chừa lại biểu bì, sâu tuổi lớn ăn thủng lỗ trên lá.
6.2. Đặc điểm hình thái
Thành trùng là loại bướm đêm màu trắng xám hơi ngả nâu, Trứng để thành ổ, có lớp lông trắng vàng phủ. Sâu non có màu xanh nhạt, da bóng láng trên lưng có năm sọc, 2 sọc ở mỗi bên hông rất to và đậm, sọc giữa lưng có màu đen xen kẽ màu trắng. Nhộng màu nâu sẫm hay đỏ sẫm thường ở trong đất .
6.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 30-35 ngày
- Trứng: 2-5 ngày
- Sâu non: 14-16 ngày
- Nhộng: 10-12 ngày
- Trưởng thành: 2-3 ngày
Trưởng thành chủ yếu hoạt động vào ban đêm, trứng được đẻ thành ổ trên 1 lá.
Sâu non mới nở tập trung cùng nhau ăn lá, nhưng sau đó chúng nhanh chóng di tản sang cây khác Sâu non có 6 tuổi, sâu non ăn rất mạnh, cắn phá thành từng lỗ không hình dạng trên lá mật độ cao có thể làm ruộng bắp cải, bông cải xơ xác.
6.4. Thiên địch
- Nhóm ký sinh có hai loài ong kén nhỏ thuộc họ Braconidae.
- Loài ruồi thuộc họ Tachinidae.
- Nhóm vi sinh vật có vi khuẩn tấn công.
6.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác:
- Trước khi trồng cần đưa nước làm ngập ruộng để diệt nhộng.
- Cày ải phơi ruộng để diệt sâu và nhộng.
- Vệ sinh đồng ruộng hủy bỏ tàn dư cây trồng.
- Mật độ trồng thích hợp.
- Bón phân cân đối hợp lý cũng là biện pháp hạn chế bớt sâu bệnh phát triển.
* Biện pháp cơ học:
Ở những thửa ruộng nhỏ có thể ngắt ổ trứng và thu sâu non khi sâu non đang sống tập trung quanh ổ.
* Biện pháp hóa học:
Dùng chế phẩm NPV đặc hiệu trừ sâu xanh da láng có hiệu quả cao. Nên kết hợp dùng thuốc thảo mộc Rotenone hay Azadirachtin. Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc nhóm Pyrethroid, Abamectin…lưu ý dùng luân phiên thuốc.

VII. Sâu kéo mạng
Tên khoa học: Plutella xylostella
Họ: Pyralidae
Bộ: Lepidoptera
7.1. Triệu chứng
- Sâu non nhả tơ tạo thành một lớp màng phủ lên nõn cải, sống trong đó ăn điểm sinh trưởng và đục vào trong nõn.
- Một số cây nhỏ yếu ớt bị chết, một số cây sống sót thì mọc ra nhiều chồi non, cây cải không hình thành bắp được.
7.2. Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành là bướm màu nâu xám nhạt, cánh có nhiều vết sọc màu nâu gãy khúc.
- Sâu non màu hồng tím, đầu màu đen, có nhiều đường sọc chạy dọc thân.
- Sâu non đẫy sức hoá nhộng trong đường đục ở nõn.
7.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 20-25 ngày
- Trứng: 2-3 ngày
- Sâu non: 12-15 ngày
- Nhộng: 5-6 ngày
- Trưởng thành: 1-2 ngày
- Bướm hoạt động ban đêm, đẻ trứng rời rạc từng quả hoặc thành ổ 2-4 trứng ở mặt dưới lá cây. Sâu kéo màng phát sinh nhiều trong mùa hè nóng và ẩm.


7.4. Biện pháp phòng trừ
- Che phủ cây con bằng lưới nylon để ngừa sâu trường thành đẻ trứng.
- Ở những nơi thường bị hại nhiều cần dùng thuốc trừ sâu phun sớm khi trồng 7 – 10 ngày. Sâu đã phát sinh trong đọt rất khó diệt trừ và thường đã để lại tác hại cho cây.

VIII. Sâu đo
Tên khoa học: Trichoplusia ni
Họ: Geometridae
Bộ: Lepidoptera
8.1. Triệu chứng
Sâu non ăn lá, tạo ra những lỗ thủng. Sâu tuổi lớn ăn từng bộ lá và đôi khi làm rụng lá. Cây con bị phá hại nghiêm trọng, thường chết hoặc cằn cỗi.
8.2. Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành có màu nâu, cánh trước có 2 vệt nhỏ màu trắng, cánh dưới màu nâu nhạt có điểm đen, hoạt động về đêm.
- Sâu non có màu xanh nhạt lớn với sọc trắng hay vàng nhạt dọc theo 2 bên chạy từ đầu đến cuối thân.
- Loài này di chuyển điển hình qua việc uốn cong đoạn giữa thân.
8.3. Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng.
- Dùng tay bắt sâu non trên những thửa ruộng nhỏ. Sử dụng chủ yếu là thuốc vi sinh gốc BT (Xentari, Delfin, Dipel, Biocin),…

IX. Sâu đục quả đậu
Tên khoa học: Maruca testulalus
Họ: Pyralidae
Bộ: Lepidoptera
9.1. Triệu chứng
Ngoài hại đậu cove còn hại trên 1 số cây họ đậu khác như: đậu phộng, đậu xanh, đen,đỏ, đũa, ván, …Sâu non ăn các nụ, hoa, quả, lá non và các chồi cây đậu. đặc điểm của trái bị loài Maruca testulalis là trái có một lớp phân sâu phủ bên ngoài.
9.2. Đặc điểm hình thái
Trưởng thành: cơ thể dài 11-13 mm, sải cánh rộng 21-25 mm. Cánh trước màu sám đen có 1 vệt trắng ở khoảng 1/3 gốc cánh đến mép cánh. Mép ngoài 2 cánh có mầu xám đen đậm.
Trưởng thành đực có có 3 túm lông dài ở đốt bụng cuối cùng.
Trứng: hình bầu dục, dài 0,5-0,6 mm. Mới đẻ có màu trắng sữa, sắp nở màu vàng nâu.
Sâu non: dài 12-16 mm. Ở mặt lưng của mỗi đốt cơ thể có các hàng chấm màu nâu.
Nhộng: dài 10-12mm. Có màu xanh lúc mới hoá nhộng. Khi sắp vũ hóa có màu nâu thẵm.
9.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 24 - 43 ngày
- Trứng: 2 - 3 ngày.
- Sâu non: 13 -15 ngày.
- Nhộng: 6 - 9 ngày.
- Trưởng thành: 5 - 7 ngày
Trưởng thành hoạt động giao phối và đẻ trứng từ nửa đêm về sáng. Ban ngày ẩn nấp rất khó phát hiện.
Trưởng thành cái sau giao phối 1-2 ngày mới đẻ trứng, trứng được đẻ rải rác hay thành cụm 2-4 trứng trên lá đài, nụ hoa, cuống hoa, đôi khi còn thấy trứng ở mặt dưới lá non hay trên qủa mới tượng. Một trưởng thành cái đẻ được khoảng 50-120 trứng, thời gian đẻ trứng kéo dài 5-7 ngày.
Vòng đời của sâu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như ẩm độ, nhiệt độ. Sâu gây hại khi cây bắt đầu có nụ hoa, nụ quả cho tới khi cây hết cho trái.
Sâu non đục thẳng vào nụ và hoa ăn phá nhụy và các cánh hoa bên trong hoặc đục khoét vỏ qủa chui vào trong ăn thịt quả và hạt. Ngoài ra, sâu còn có thể đục vào mắt thân làm cây chậm phát triển hoặc héo khô. Sâu gây hại đến đâu thải chất bài tiết đến đó làm cho các bộ phận bị hại rất dễ thối và rụng.
Sâu non tuổi 1-2 thường gây hại nụ, hoa và quả mới tượng. Sâu tuổi 3-5 thường gây hại trên trái đang lớn. Sâu non đục thẳng vào trong quả ăn thịt quả hoặc hạt, thải luôn phân trong qủa làm cho quả rất dễ bị thối. Trung bình 1 sâu non phá 1-3 quả. Sâu non thường ăn phá về đêm. Khi đẫy sức sâu non gặm 1 lổ trên qủa chui ra ngoài để xuống đất hóa nhộng.
Nhộng thường có kén đất bao bọc. Trong các vụ đậu, vụ hè thu thường bị sâu đục quả đậu gây hại nặng nhất.
9.4. Thiên địch
Thiên địch của sâu đục quả đậu có một số ong ký sinh sâu non như Cotesia sp., Baeognatha sp.
9.5. Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt cỏ dại, ký chủ phụ, thu gom tàn dư cây trồng đem đốt hay chôn sâu.
- Luân canh với cây trồng không cùng họ ký chủ. Có thể dùng thuốc (khi đã có 50% hoa của đợt 1 đã đậu quả) các loại thuốc gốc BT như Biocin, Dipel…luân phiên với thuốc có gốc Pyrethroid như Summicidin, Shepa, Decis, Cyperin…

X. Rầy mềm
Tên khoa học: Brevicoryne brassacicae
Họ: Aphididae
Bộ: Homopetra
10.1. Triệu chứng
Rầy mềm Brevicoryne brassacicae gây hại chủ yếu trên các cây thuộc họ cải. Dấu hiệu đầu tiên trên lá có rầy mềm tấn công làm lá bị nhạt màu, sau đó chuyển màu vàng và bị xoăn lại do rầy mềm chích hút nhựa làm cho lá bị khô vàng.
10.2. Đặc điểm hình thái
Rầy mềm còn được gọi là rầy mật, rầy nhớt, cả ấu trùng và thành trùng đều nhỏ dài khoảng 1- 2 mm, màu xanh lục đến xanh vàng, sống quần tụ ở dưới phiến lá non.
10.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
Rầy mềm có thể sinh sản đơn tính, nghĩa là đẻ con không cần sự giao phối giữa con đực và con cái, đẻ trung bình mỗi ngày 5-7 con, vòng đời rầy mềm trung bình từ 11 - 13 ngày.
10.4. Thiên địch
Thiên địch của rầy mềm có bọ rùa, dòi ăn thịt, kiến, nhện, ong ký sinh v.v…
10.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác:
- Vệ sinh đồng ruộng thu dọn tàn dư cây trồng.
- Bón phân cân đối
- Trong phạm vi hẹp rầy mềm có thể bị nước rửa trôi.
* Biện pháp cơ học:
Ngắt bỏ những lá bị rầy mềm và hủy chúng đi. Biện pháp sinh học: Sử dụng các thiên địch như bọ rùa, kiến, dòi ăn thịt, nhện… để tiêu diệt rầy mềm.
* Biện pháp hóa học: Chỉ phun thuốc khi mật độ rầy mềm quá cao, phun các loại thuốc như: Actara, Sherpa, Polytrin, Trebon v.v…

11. Sâu vẽ bùa
Tên khoa học: Lyriomyza sp.
Họ: Agromyzidae
Bộ: Diptera
11.1. Triệu chứng
Dòi đục lá còn được gọi là sâu vẽ bùa, đây là loài dịch hại gây hại nặng trên cây cà chua, dưa, bầu bí, đậu đỗ…Ấu trùng dòi đục lá đục vào trong lá ăn mô lá, chừa lại biểu bì tạo ra những đường ngoằn ngoèo trên lá.
11.2. Đặc điểm hình thái
Thành trùng là loài ruồi đen nhỏ, có điểm vàng trên lưng ngực, bay kém nên di chuyển trên ruộng theo hướng gió.
Ấu trùng là loại dòi có màu vàng nhạt hoặc trắng kem, nằm trong mô mặt trên của lá trong đường đục, ấu trùng dài khoảng 3 mm. Khi dòi đẫy sức chui ra ngoài hóa nhộng.
Nhộng màu vàng, nâu bóng dính trên lá hoặc rơi xuống mặt đất.
11.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời:
- Trứng: 2-4 ngày
- Ấu trùng: 10 -13 ngày
- Nhộng: 5-7 ngày
- Trưởng thành: 1-3 ngày
Con ruồi cái đẻ trứng trên mặt lá, một con cái có thể đẻ 250 trứng. Trứng nở sau khoảng 3 - 4 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ.
Dòi đục lá đục ăn mô lá làm giảm diện tích quang hợp, do vậy chúng làm cây vàng, cằn cỗi, lá rụng sớm, chúng gây hại nặng giai đoạn cây con. Khi lá bị hại nặng, nhất là những lá gần quả mới hình thành có thể làm ảnh hưởng đến năng suất. Đối với một số cây rau ăn lá, vết đục của dòi đục lá làm giảm thương phẩm.
Ngoài ra, vết thương trên lá do dòi đục lá gây ra tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại cây khác xâm nhập. Dòi đục lá có thể xuất hiện nhiều lứa gây hại trong năm nhưng thường gây hại nặng vào mùa nắng.
11.4. Thiên địch
Thiên địch ăn mồi: Loài ruồi ăn dòi có vai trò quan trọng hạn chế dòi đục lá.
Nhóm ong ký sinh: Encarsia formosa, Dacnusa sibirica, Opium pallipes, và Diglyphus isaea.
11.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp các loài cỏ lá rộng (ký chủ phụ) một tháng trước khi trồng, gieo cấy đồng loạt.
* Biện pháp sinh học: Dòi đục lá có nhiều loại ký sinh, nên theo dõi mật độ và tỷ lệ lá bị hại trước khi sử dụng thuốc hóa học.
* Biện pháp hóa học: Khi tỷ lệ lá bị hại lớn hơn hoặc bằng 30% hoặc có 5 - 10 con trưởng thành/cây, có thể sử dụng các loại thuốc Ofunack, Polytrin...

12. Ruồi đục quả
Tên khoa học: Bactrocera cucurbitae
Họ: Trybetidae
Bộ: Diptera
12.1. Triệu chứng
Ruồi đục quả gây hại trên dưa leo, bầu bí, mướp,… Ấu trùng là dòi đục vào trong quả, chổ vết đục bên ngoài lúc đầu là 1 chấm đen, sau lớn dần có màu vàng rồi chuyển qua nâu. Bên trong quả dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm quả bị thối mềm, dễ rụng.
12.2. Đặc điểm hình thái
Thành trùng là loài ruồi giống ruồi nhà, dài 6-8 mm, màu vàng có vạcg đen trên ngực và bụng. Cuối bụng ruồi cái có vòi dài, nhọn dùng để chích vào quả đẻ trứng.
Trứng rất nhỏ, màu trắng ngà, nằm phía trong vỏ quả.
Ấu trùng là loại dòi có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, miệng có một móc cứng đen, đẫy sức dài khoảng 6-8 mm. Khi dòi đẫy sức chui ra ngoài hóa nhộng.
Nhộng màu nâu vàng, hình trứng dài.
12.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 22-28 ngày.
- Trứng: 2-3 ngày
- Dòi : 8-10 ngày
- Nhộng: 7-12 ngày
- Trưởng thành đẻ trứng 5-7 ngày và có thể sống hàng tháng. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, thường là sáng sớm hoặc chiều mát, sức bay yếu.
Ruồi cái đẻ trứng trong vỏ quả, một con cái có thể đẻ 150-200 trứng, một quả có thể có nhiều trứng. Dòi nở ra đục vào trong quả gây hại. Trong quả bị hại thường có nhiều con dòi, đẫy sức dòi chui ra ngoài rơi xuống đất hoá nhộng hoặc hoá nhộng trong quả bị rụng.
Ruồi thường đẻ trứng và gây hại từ khi quả già đến chín.
12.4. Biện pháp phòng trừ
- Cày phơi đất để diệt sâu non và nhộng.
- Thường xuyên thu gom tiêu huỷ các quả bị rụng có dòi hại.
- Khi ruồi trưởng thành phát sinh nhiều dùng bẫy dẫn dụ Methyl Eugenol (Vidubon…) hoặc tự làm bằng dấm pha đường và ít thuốc trừ sâu, đặt rãi rác cách 5-10 m một bẫy.
- Nếu có điều kiện thì bao quả lại sau khi quả đậu 3-4 ngày, không cần phun thuốc.
- Có thể dùng thuốc trừ sâu gốc cúc tổng hợp để phòng trừ.

13. Bọ trĩ
Tên khoa học: Thrip palmi
Họ: Thripidae
Bộ: Thysanoptera
13.1. Triệu chứng
Bọ trĩ gây nặng thời kỳ cây con trên nhiều loại cây rau khác nhau như các loại cà, đậu, ớt, dưa bầu bí…Trưởng thành và bọ non chích hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại, khi mật độ cao làm lá vàng, cây chùn đọt, sinh trưởng phát triển kém.
13.2. Đặc điểm hình thái
Là loại côn trùng nhỏ rất khó nhìn bằng mắt thường. Trưởng thành dạng thon có màu vàng đậm hoặc nâu đen, ấu trùng hình dạng giống trưởng thành có màu trắng vàng đến vàng.
13.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
Trứng được đẻ trong mô lá, một con có thể đẻ từ 3-160 trứng, ấu trùng và trưởng thành thường nằm ở mặt dưới lá, nhộng nằm trong đất. Hiện nay có rất ít tài liệu xác định vòng đời của bọ trĩ, tuy nhiên thời gian trứng khoảng 3 ngày, vòng đời khoảng 11 -16 ngày, ấu trùng có 2 tuổi.
Trưởng thành và ấu trùng thường tập trung trên lá ngọn chích hút nhựa cây trên lá làm cho lá vàng, ngọn dưa quăn queo, cây còi cọc, hoa rụng, quả ít và nhỏ, hại nặng trong thời kỳ cây con có thể làm cho cây chết.
Bọ trĩ có thể gây hại tất cả các giai đoạn phát triển của cây nhưng thường phát triển gây hại nặng ở thời kỳ cây con từ khi ra lá đến khi có bông, trong điều kiện ấm nóng, khô, mùa mưa bọ trĩ gây hại nhẹ hơn.
13.4. Thiên địch
Thiên địch của bọ trĩ có bọ rùa, ruồi ăn thịt, đặc biệt một số ong ký sinh có vai trò quan trọng giảm mật số bọ trĩ v.v…
13.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác: Che phủ bằng rơm rạ, ngăn ngừa cỏ dại tạo điều kiện thông thoáng và tiêu diệt ký chủ phụ, che phủ bằng lá thuốc lá có thể tiêu diệt bọ trĩ. Tưới nước mạnh trên lá cũng có thể rửa trôi bọ trĩ. Ngoài ra chăm sóc cây sinh trưởng tốt, đảm bảo đủ nước làm giảm thiệt hại của bọ trĩ gây ra đặc biệt trong thời kỳ cây con.
* Biện pháp vật lý: sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc xanh da trời có thể thu hút bọ trĩ trưởng thành.
* Biện pháp sinh học: Khuyến khích hoặc sử dụng các loài bọ rùa, ong ký sinh Ceranisus sp.
* Biện pháp hóa học: Có nhiều loại thuốc có hiệu quả như Confidor, Hopsan, Cyperin, Pyrinex… phun vào buổi chiều tối có hiệu quả cao. Có thể dùng dầu khoáng.
14. Bọ phấn trắng
Tên khoa học: Bemisia tabaci
Họ: Aleyrodidae
Bộ: Hemiptera
14.1. Triệu chứng
Bọ phấn trắng gây hại trên cà chua, ớt, bông vải. Bọ phấn chích hút dinh dưỡng, nước làm gân lá, lá cây bị vàng, cây cằn cỗi, kém phát triển.
14.2. Đặc điểm hình thái
Bọ phấn trưởng thành rất nhỏ, có 4 cánh và được phủ lớp phấn sáp màu trắng, hoặc trắng hơi vàng, dài khoảng 1mm.
Trứng có màu trắng sau chuyển màu nâu.
Ấu trùng có màu trắng hơi xanh hình oval, dài 0,3 – 0,6 mm
14.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời:
- Trứng: 5-9 ngày.
- Ấu trùng: 14 ngày.
- Trưởng thành: có thể sống đến 30 ngày.
Trưởng thành bay kém nhưng phát tán rộng nhờ gió. Một con cái có thể đẻ 100 – 150 quả trứng, trứng được đẻ ở mặt dưới lá từng trứng riêng lẻ hoặc từng nhóm chúng lột xác 3 lần và hóa nhộng, giai đoạn ấu trùng keó dài 2 - 4 tuần tùy thuộc vào nhiệt độ.
Bọ phấn non và bọ phấn trưởng thành thường tập trung ở mặt dưới lá cà chua, chích hút dịch cây. Khi mật độ bọ phấn cao làm cây suy yếu, có thể bị héo, vàng lá, chết.
Chất bài tiết của bọ phấn có đường tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển hại cây.
Bọ phấn còn là côn trùng môi giới truyền virus gây bệnh xoắn lá cà chua.
Bọ phấn thường gây hại trong mùa khô, chúng có phân tán trên phạm vi rộng nhờ gió.
14.4. Thiên địch
Bọ phấn có nhiều loài thiên địch như ong ký sinh Encarsia formos.
14.5. Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác:
Phủ rơm quanh cây cà chua đang mọc mầm, ở vườn ươm có thể dùng lưới côn trùng để bảo vệ cây con.
* Biện pháp cơ giới vật lý:
Dùng bẫy dính màu vàng để thu hút con trưởng thành.
* Biện pháp hóa học:
- Hạn chế phun thuốc hóa học vì thuốc có thể giết chết các loài thiên địch có ích trên xuống và bọ phấn dễ bị kháng thuốc.
- Có thể dùng các loại thuốc như Actara, Pyrinex, Hopsan,…





15. Bọ nhảy
Tên khoa học: Phyllostreta striolata
Họ: Chrysomelidae
Bộ: Coleoptera
15.1. Triệu chứng
Bọ nhảy gây hại trên các loại cây thuộc họ cải. Trưởng thành gặm lá, thân cây tạo thành lỗ răng cưa trên lá, khi mật độ cao gây hại nặng làm lá vàng, cây còi cọc phát triển kém. Bọ nhảy hại nặng giai đoạn cây con.
15.2. Đặc điểm hình thái
Thành trùng rất nhỏ, dài 1- 3 mm hình bầu dục, giữa cánh cứng có sọc cong hình vỏ đậu phộng, màu vàng nhạt chạy theo cánh. Ấu trùng hình ống, màu vàng nhạt dài khoảng 4 mm.
15.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 33-67 ngày
- Trứng: 5-7 ngày - Sâu non: 14-21 ngày
- Nhộng: 7-10 ngày
- Trưởng thành: có thể sống từ 20-70 ngày.
Trưởng thành hoạt động rất nhanh nhẹn, có khả năng di chuyển bay nhảy từ ruộng này sang ruộng khác.
Mỗi con cái có thể đẻ từ 25-200 quả. Trứng được đẻ dưới đất, sâu khoảng 2-3 cm gần gốc cây ký chủ.
Ấu trùng nằm trong đất, gặm ăn dễ cây, trưởng thành ăn lá đục thành từng lỗ trên lá cải làm cây sinh trưởng cằn cỗi và ảnh hưởng đến chất lượng thương phẩm. Bọ nhảy làm nhộng dưới đất.
Trong mùa khô bọ nhảy thường gây hại nặng hơn trong mùa mưa.
15.4. Thiên địch
Người ta ghi nhận có một số loài tuyến trùng tấn công ấu trùng bọ nhảy. Có nhiều loài nấm, vi sinh vật ký sinh giai đoạn trưởng thành.
15.5. Biện pháp phòng trừ
- Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp đối với bọ nhảy có hiệu quả cao như vệ sinh đồng ruộng, phơi ải, che phủ bạt nilong, luân canh với cây trồng khác họ cải.
- Vệ sinh đồng ruộng: gom tàn dư để ủ phân hoặc đốt.
- Luân canh với cây trồng khác họ cải, đặc biệt có hiệu quả khi luân canh với cây lúa nước.
- Sử dụng phân chuồng ủ hoai mục có tác dụng tiêu diệt ấu trùng.
- Trong mùa mưa nên trồng trong nhà lưới giúp cho cây có khả năng chống bệnh tốt hơn.
- Dùng chế phẩm nấm Ma. có khả năng hạn chế bọ nhảy, có thề dùng các loại thuốc Hopsan, Polytrin, Sherzol…Chú ý phun thuốc vào lúc chiều tối có hiệu quả cao.
16. Bọ rùa
Tên khoa học: Epilachna sp.
Họ: Coccinellidae
Bộ: Coleoptera
16.1. Triệu chứng
- Bọ rùa thường gây hại trên cây cà chua, cà tím, khoai tây, dưa, bầu bí, khổ qua, đậu.
- Ấu trùng và trưởng thành ăn biểu bì lá, để lại màng mỏng.
- Lá có thể bị ăn trơ trụi chỉ còn gân chính. Bọ còn ăn trái non, có thể phát hiện những lỗ nông trên bề mặt quả.
16.2. Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành là 1 loài bọ cánh cứng có hình bán cầu, phía lưng vòng lên, phía bụng thẳng, màu nâu đỏ với nhiều chấm đen trên lưng, dài 6-7 mm.
- Trứng hình ovan màu vàng, đẻ ở mặt dưới lá, xếp liền nhau thành từng ổ 10-20 quả.
- Ấu trùng dài 10 mm, có màu vàng nhạt và có nhiều gai nhọn, gai phân nhánh trên lưng và hai bên sườn.
- Nhộng trần hình bầu dục dính trên lá, màu vàng có nhiều chấm đen, toàn thân có lông ngắn.
16.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 25-30 ngày
- Ấu trùng: 16-20 ngày
- Nhộng: 4-5 ngày
- Bọ trưởng thành có thể sống: 15-20 ngày
- Bọ rùa trưởng thành và ấu trùng thường sống chung với nhau, đều gây hại. Bọ rùa trưởng thành hoạt động ban ngày, nhất là sáng sớm hoặc chiều mát, có tính giả chết khi gặp động, một con cái đẻ 200-300 trứng.
- Ấu trùng mới nở, thời gian đầu sống tập trung, sau đó phân theo từng nhóm, ăn biểu bì, mô mềm ở mặt dưới lá, để lại màng mỏng. Càng lớn càng ăn mạnh, có thể ăn hết từng mảng lá làm cây sinh trưởng kém, ruộng rau xơ xác. Khi mật số cao, chúng có thể ăn trụi hết lá những cây còn nhỏ, trong vườn ươm cây khó phục hồi, có thể chết, nhất là cây con.
16.4. Biện pháp phòng trừ
- Trồng xen canh với cây họ hoa thập tự.
- Nhặt bỏ lá bị hại và lá có nhộng bám, bắt giết bọ non và bọ trưởng thành.
- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt ký chủ phụ, thu dọn tàn dư thực vật, phơi và đốt bỏ.
- Khi cần thiết có thể dùng thuốc để phun trừ.
17. Bọ xít
Tên khoa học: Aspongopus fuscus
Họ: Pentatomidae
Bộ: Hemiptera
17.1. Triệu chứng
Bọ xít chủ yếu phá hại các cây rau họ bầu bí mướp, khổ qua. Bọ tưởng thành và bọ non chích hút nhựa trên cuống lá, cuống nụ, quả non, thân non của cây làm lá bị vàng, rụng sớm hoặc nhỏ, méo mó. Mật độ cao làm giảm năng suất và chất lượng quả.
17.2. Đặc điểm hình thái
Bọ trưởng thành màu nâu sẫm, hình gần như lục giác, dài 17-18 mm, Mặt lưng phần bụng màu đỏ cam, mỗi mép rìa mặt lưng có 7 chấm đen xen với 7 chấm vàng da cam. Vòi miệng dài như cái vòi hút.
Trứng hình trụ, đẻ thành ổ khoảng 10-25 trứng xếp thành hàng dài, màu xanh xám đến nâu nhạt.
Bọ non hình dạng giống trưởng thành, không cánh, màu nâu đỏ.
17.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
* Vòng đời: 65-90 ngày
- Trứng: 10-20 ngày - Bọ non: 50-60 ngày
- Bọ trưởng thành đẻ trứng 5-10 ngày và có thể sống đến vài tháng.
Bọ trưởng thành và bọ non cùng gây hại trên cây. Bọ xít hoạt động ban ngày, một con cái có thể đẻ từ 50-100 trứng. Bọ non mới nở sống tập trung, sau đó phân tán.

17.4. Thiên địch
Một số loài nhện ăn thịt có vai trò quan trọng khống chế quần thể nhện hại.
17.5. Biện pháp phòng trừ
- Dùng tay giết bọ xít bám trên cây.
- Dùng thuốc trừ sâu phun trực tiếp vào nơi bọ xít non tập trung. Các loại thuốc trừ sâu thông thường đều có thể diệt được bọ xít.
18. Nhện đỏ
Tên khoa học: Tetranychus sp.
Họ: Tetranychidae
Bộ: Acarina
18.1. Triệu chứng
Nhện đỏ gây hại trên nhiều loài cây trồng khác nhau, chúng hoại nặng trên các cây như ớt, dưa, bầu bí, đậu đỗ…Nhện trưởng thành và nhện non chích hút lá tạo ra những đốm lá trắng vàng có thể dễ nhận ra ở mặt trên của lá. Khi hại nặng chúng có thể làm lá héo và rụng.
18.2. Đặc điểm hình thái
Có 2 giai đoạn phát triển: Con non và trưởng thành.
Con trưởng thành dài cở 0,5 mm, màu đỏ nâu, có 8 chân.
Con non nhỏ hơn, cũng có màu đỏ nâu có 6 chân, trứng hình tròn, màu vàng nhạt, rất nhỏ, được đẻ dưới mặt lá.
18.3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
Nhện đỏ chuyên sống và gây hại ở mặt dưới lá, trứng cũng đẻ ở mặt dưới lá. Giai đoạn trứng đến trưởng thành kéo dài khoảng 15 ngày.
Con trưởng thành và con non chích hút nhựa ở mặt dưới lá, có thể xuất hiện trên những lá già làm cho lá bị nhăn, nếu nặng làm lá vàng và rụng sớm, giảm năng suất.
Nhện đỏ phát triển mạnh khi trời khô hạn, cây được bón nhiều phân đạm.
18.4. Thiên địch
Một số loài nhện ăn thịt có vai trò quan trọng khống chế quần thể nhện hại.
18.5. Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng.
- Bón phân cân đối.
- Luân canh với cây trồng họ hòa bản.
- Dùng các thuốc đặc trị: Comite, Nissorun, Rufast, Supracide…
- Chú ý việc dùng thuốc hóa học nhiều dễ gây bộc phát nhện đỏ, do tiêu diệt thiên địch của nhện đỏ và nhện đỏ có khả năng quen và kháng thuốc cao.


Bệnh

Bệnh sương mai (phấn vàng)
Tên khoa học: Pseudoperonospora cubensis
Triệu chứng
Thường gây hại trên cây rau họ dưa, bầu bí, mướp, khổ qua.
Lá bị hại là chính. Bệnh phát triển từ mặt dưới lá, phía trên lá có những chấm nhỏ màu vàng, về sau lớn dần trở thành màu nâu, dọc theo gân lá có những hình đa giác. Chỗ bị bệnh khô và dễ gãy, lá cuốn cong lên và rụng sớm chỉ còn lá mới ra. Đặc trưng vết bệnh là có lớp phấn màu tro xám đó là các bào tử phân sinh, bào tử nảy mầm ở nhiệt độ 15 –190C, ẩm độ cao.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh phấn vàng do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra.
Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh
Bệnh lây lan qua tàn dư cây bệnh, cỏ dại. Trong điều kiện thuận lợi nấm bệnh lây lan bằng bào tử phân sinh.
Bệnh thường gây hại từ lá gốc phát sinh dần lên phía trên
Nấm bệnh xâm nhập và gây hại nặng trong mùa mưa và những ngày có sương mù buổi sáng.
Bệnh phát sinh sớm từ khi cây có 3 lá thật và càng cuối vụ càng nặng. Bệnh gây hại làm lá rụng, dưa tàn sớm giảm năng suất cây trồng.
Biện pháp phòng trừ
- Làm liếp cao, thoát nước đặc biệt trồng dưa leo trong mùa mưa.
- Tỉa lá bệnh thiêu hủy, lưu ý cần thu hủy tàn dư vườn bệnh.
- Luân canh, với những cây trồng khác họ.
- Bón phân đầy đủ, cân đối, chú ý bón phân urê, trong mùa mưa nếu bón nhiều urê, hoặc phân hữu cơ tươi dễ gây ngộ độc cho cây và nấm bệnh dễ xâm nhập gây hại.
- Dùng các loại thuốc hóa học như Daconil, Ridomil MZ, Score, Tilt super… để phòng trị.

Bệnh héo rũ do nấm (héo vàng)
Tên khoa học: Fusarium oxysporum
Triệu chứng
Đặc trưng của bệnh này là các lá dưới bị vàng trước sau đó vàng lan lên các lá trên. Triệu chứng héo rũ hoặc biến vàng có thể xuất hiện một vài cành trên cây hay cả cây, cây bị nhiễm bệnh các lá bị vàng, héo sau đó cây chết, cắt ngang thân cây bị bệnh các tế bào thường hóa nâu.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Fusarium oxysporum và một số loại nấm trong đất khác gây ra, nấm này còn gây bệnh trên nhiều loài cây trồng khác.
Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh
Nấm bệnh lây lan nhờ gió, mưa và kể cả các hoạt động của con người, nấm bệnh cũng có thể lan truyền qua hạt giống.
Đây là loài nấm có thể tồn tại rất lâu trong đất, tàn dư cây trồng. Do vậy bệnh thường gây hại nặng ở những ruộng nhiễm bệnh vụ trước.
Điều kiện nhiệt độ từ 18 – 340C, ẩm độ cao thích hợp cho nấm phát triển.
Bón phân không cân đối thừa đạm, thiếu lân hoặc kali làm cây yếu dễ nhiễm bệnh. Dùng phân chuồng không ủ hoai sẽ có nhiều nguồn bệnh làm bệnh phát sinh nhiều. Bệnh cũng gây hại nặng ở ruộng không thoát nước.
Nấm gây bệnh xâm nhập qua các vết thương ở rễ hoặc trên thân do quá trình chăm sóc hoặc bị côn trùng cắn phá.
Biện pháp phòng trừ
* Biện pháp canh tác:
- Luân canh cây trồng khác họ.
- Sử dụng giống kháng.
- Xử lý hạt giống bằng nước nóng 500C trong 25 phút.
- Bón vôi trước khi trồng.
- Dùng phân hữu cơ hoai mục, có nhiều vi sinh vật đối kháng làm hạn chế nguồn bệnh, bón phân cân đối để cây khỏe.
- Tránh tạo vết thương cho cây.
- Nên chọn đất có điều kiện thoát nước tốt.
* Biện pháp cơ giới vật lý: Nhổ bỏ cây bị bệnh.
* Biện pháp sinh học: Dùng các chế phẩm Trichoderma bón vào đất trước khi trồng.
* Biện pháp hóa học: Khi bệnh xuất hiện và phát triển có thể sử dụng các loại thuốc như Rovral 50 W P, Ridomil MZ…



Bệnh héo vi khuẩn (héo xanh)
Tên khoa học: Pseudomonas solanacearum
Triệu chứng
Đặc điểm của bệnh là cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh. Quan sát rễ cây và thân cây phần trong bị sũng nước, sau đó chuyển màu nâu. Nếu cắt đoạn thân cây bệnh để vào trong cốc nước, chúng ta dễ dàng thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây nên, còn có tên khác là Ralstoria solanacearum.
Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh
Vi khuẩn tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, cỏ dại. Vi khuẩn có thể lan truyền qua cây giống, gió, nhờ nước, côn trùng và cả qua công cụ chăm sóc, tỉa cành.
Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc vết chích của côn trùng ở rễ, thân Sau khi chúng xâm nhập vào cây trồng chúng tấn công vào mạch dẫn và di chuyễn theo mạch dẫn làm hư bó mạch, cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng héo và chết. Tốc độ xâm nhiễm và gây bệnh trong cây trồng rất nhanh, tốc độ này phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng cây trồng, ẩm độ đất và nhiệt độ môi trường. Chúng phát triển nhanh ở ẩm độ đất cao, nhiệt độ từ 24 – 380C.
Biện pháp phòng trừ
Đây là loại bệnh rất khó phòng trị, sử dụng thuốc hoá học không có hiệu quả cao, do vậy áp dụng các biện pháp phòng trị tổng hợp có hiệu quả cao hơn.
* Biện pháp canh tác:
- Luân canh cây trồng; đây là biện pháp có hiệu quả cao, có thể luân canh với cây khác họ cà hoặc luân canh với lúa nước. Không nên trồng cà chua 2 vụ liên tiếp trên một chân đất.
- Xử lý hạt giống trong nước nóng 500C trong 25 phút.
- Sử dụng cây giống ở vườn ươm không bị bệnh.
- Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại.
- Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón.
* Biện pháp cơ giới vật lý:
- Nhổ bỏ cây bị bệnh gom lại đem đi đốt.
- Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, lưu ý khi tưới nước, tỉa cành, thu hái trái.
* Biện pháp hóa học:
Bệnh do vi khuẩn gây ra dùng thuốc hóa học hiệu quả không cao. Cần phát hiện sớm dùng các loại thuốc như Kasuran 50 WP, Kanamin 47 WP… có thể hạn chế được bệnh.



Bệnh héo chết dây
Triệu chứng
Rễ và cổ rễ gốc bị thối, điểm bị thối thắt lại, tất cả các lá trên cây biến màu vàng, cây héo và bị chết.
Tác nhân gây bệnh
Nguyên nhân do các loại nấm trong đất như: Rhizoctonia, Fusarium, Pythium...
Những loài nấm này còn gây ra các bệnh héo, thối gốc, chết cây con ở nhiều loài cây trồng khác nhau.
Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh
Nguồn nấm bệnh tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, chúng có khả năng sống rất lâu ở trong đất. Khi ở dạng hạch nấm chúng có thể tồn tại trong những điều kiện môi trường bất lợi.
Trong điều kiện thuận lợi, nấm xâm nhập cây trồng qua vết thương rễ, cổ rễ.
Bệnh hại nặng trong mùa mưa. Đất bị úng nước, đặc biệt khi có mưa to, gió lớn gây xây xát vùng rễ, bệnh nặng có thể gây héo rũ chết hàng loạt.
Biện pháp phòng trừ
- Trong mùa mưa phải lên luống cao, thoát nước. Đảm bảo đủ nước cho cây nhưng không để thừa nước.
- Bón phân cân đối. Đặc biệt nên dùng phân ủ mục không dùng phân hữu cơ tươi.
- Có thể dùng nước phân ủ mục để tưới cho cây tăng cường tính chống chịu bệnh của cây.
- Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma, kinh nghiệm một số nông dân khi dùng nước phân ủ để tưới cũng có thể làm giảm bệnh do trong nước phân ủ có nhiều vi sinh vật đối kháng.
* Hóa học:
- Xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học.
- Dùng các loại thuốc trừ bệnh như Rovral, Benlat C, Ridomil MZ, Validacin, Bendazol … khi thấy bệnh có khả năng phát sinh mạnh.

Bệnh thán thư
Tên khoa học: Collectotrichum sp.
Triệu chứng
Trên những trái ớt đã lớn, khi bị nhiễm bệnh, xuất hiện những vết lõm xuống, hình vòng tròn, hơi ướt. Khi gặp thời tiết thuận lợi, bệnh lan ra rất nhanh, vết bệnh có màu nâu nhạt đến đậm. Trên trái, nơi bị bệnh nặng, xuất hiện những hạch bào tử màu vàng. Ngoài ra, bệnh còn tấn công trên cây con gây chết rạp lá ớt và gây hiện tượng đốm.
Trên dưa bầu bí bệnh gây hại cả trên quả lá, dây đều bị hại. Trên lá lúc đầu có những điểm tròn màu vàng nhạt, về sau có màu nâu. Khi khô dễ gẫy. Trên quả mới chớm bệnh vết bệnh hình tròn, lõm màu vàng. Trên dây có vết bệnh màu nâu sẫm về sau có màu tro. Đặc điểm trên vết bệnh có lớp phấn màu hồng trong điều kiện ẩm ướt .
Tác nhân gây bệnh
Bệnh thán thư do nấm Collectotrichum sp. gây ra.
Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh
Nấm gây bệnh tồn tại trong hạt giống, tàn dư cây bệnh ,cỏ dại, trong đất nấm có thể tồn tại trên 1 năm. Sau khi gieo hạt, sợi nấm cũng bắt đầu phát triển xâm nhập vào cây ký chủ.
Gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh lan truyền nhanh từ trái nầy sang trái khác, từ cây nầy sang cây khác. Bào tử lan truyền trong không khí nhờ gió. Bào tử nấm bệnh xâm nhiễm vào cây trồng qua vết thương, hoặc trực tiếp qua biểu bì.
Bệnh sẽ phát triển mạnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Do bón phân mất cân đối, chăm sóc kém, và gặp điều kiện thời tiết bất lợi như nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, mưa nắng bất thường...
Trồng dưa trên đất trũng, đất nhiễm bệnh vụ trước bệnh hại nặng.
Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư cây bệnh, làm luống cao thoát nước.
- Trồng luân canh với cây họ khác.
- Bón phân cân đối, khử đất bằng vôi với lượng 500-800kg/ ha.
- Sử dụng giống khoẻ sạch bệnh.
- Phun thuốc hoá học khi bệnh chớm xuất hiện: Score, Ridomil, Antracol, Bayfidan, Thio M, Rovral…




Bệnh gỉ sắt
Tên khoa học: Uromyces appendiculatus
Triệu chứng
Lúc đầu trên lá xuất hiện những điểm nhỏ màu hơi vàng nổi gờ, sau đó vết bệnh to dần, ở giữa màu vàng nâu lẩm xung quanh có quầng vàng hẹp, vết bệnh mở rộng đường kính tới 2 mm. Điểm gờ nhỏ là khối bào tử, thường ở mặt dưới lá, còn mặt trên lá chổ vết bệnh có màu vàng nâu. Vết bệnh biểu bì vở tung để khối bào tử hạ màu hồng nâu tung ra ngoài, chung quanh vết bệnh có quầnh vàng hẹp. Khối bào tử thường lộ rõ ở mặt dưới lá, còn mặt trên thể hiện vết bệnh màu nâu vàng, nhưng cũng có khi khối bào tử hạ xuất hiện cả hai mặt.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh gỉ sắt đậu đỗ do nấm Uromyces appendiculatus gây ra.
Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh
Ở những xứ lạnh, nấm tồn tại qua mùa đông bằng bào tử đông trong tàn dư cây bệnh ở trên đất, đến mùa xuân nẩy mầm hình thành đảm và bào tử đảm theo gió lan truyền xâm nhập vào lá non hình thành ở bệnh đầu tiên. Trong trường hợp qua đông nẩy mần xâm nhập thì giai đoạn bào tử xuân không xuất hiện.
Ở những xứ nóng nấm tại bằng bào tử hạ (cũng có thể bào tử đông) bào tử hạ nẩy mầm xâm nhập hình thành ở bệnh đầu tiên trên đồng ruộng.
Giống như một số loại bệnh gỉ sắt khác, bào tử hạ của nấm lan truyền theo gió đi rất xa. Con người, súc vật và công cụ cũng có thể là nhân tố giúp nấm lan truyền.
Bào tử hạ nẩy mầm trong phạm vi nhiệt độ 10 – 300C như thích hợp nhất 16 – 220C. Ở nhiệt độ 15 – 240C phù hợp nhất cho nấm hình thành bào tử hạ và xâm nhập qua lổ khí để lây bệnh. Ở nhiệt độ 2 – 60C bào tử hạ không thể hình thành. Nước ưa hoạt động trong điều kiện ẩm độ cao trên 95 %. Giọt nước ướt trên bề mặt lá là điều kiện tất yếu cho nấm nẩy mầm và xâm nhập, do đó giọt sương đêm, sương mù rất có tác dụng đối với sự phát triển của bệnh gỉ sắt. Trong điều kiện thích hợp, từ khi bào tử hạ nẩy mầm xâm nhập ký chủ đến khi hình thành bào tử tiếp tục phát triển sau 8 – 9 ngày nữa mới phá vở biểu bì lộ ra ngoài để phát tán.
Biện pháp phòng trừ
Để phòng trừ bệnh gỉ sắt hại đậu đỗ cần thực hiện các biện pháp sau đây:
Thực hiện chế độ luân canh thích hợp, không nên trồng đậu liên vụ trên đồng ruộng, chú ý chăm sóc tưới nước hợp lý, luống trồng phải cao có rãnh thoát nước, chế độ luân canh lúa nước là hợp lý nhất để phòng trị bệnh này.
Thu dọn thật sạch tàn dư cây bệnh sau khi thu hoạch tránh để rơi rãi trên ruộng. Cây đậu làm phân chuồng cần phải ủ hoai mục.
Sử dụng giống chống bệnh là một biện pháp rất quan trọng. Tuy nhiên giống đậu mới tuyển chọn chống bệnh chỉ có gía trị trong 1 thời gian, cho nên cần phải liên tục tuyển chọn giống mới để chống lại các dạng sinh học mới xuất hiện. chọn giống đậu sớm, trồng sớm thu hoạch sớm tránh lúc bệnh phát sinh mạnh để có thể giảm bớt thiệt hại do bệnh gây ra.
Phun thuốc kịp thời và đúng lúc, phun phòng trước khi bệnh phát sinh, thường phun thuốc trước khi đậu ra hoa và sau đó phun lần thứ hai sau khi đậu ra trái là an toàn, nếu giống mẫn cảm thì phun lần thứ ba bằng thuốc đặc trị phòng trừ bệnh gỉ sắt như thuốc Lunasa, Funguran , Score…
( theo chi cục BVTV TPHCM)

1 nhận xét:

truyenls.bio nói...

Các bạn xem và bổ sung thêm cho hoàn chinh, cảm ơn!